NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

DỊP ĐẦU XUÂN CON NGỰA ĐIỂM QUA VÀI NÉT THƠ XUÂN

( 16-01-2014 - 08:57 PM ) - Lượt xem: 1436

Tục ngữ Việt Nam cũng khẳng định : người ta là hoa đất. Cái kết thật nhân văn ! Và bài thơ không chỉ là một lời giải đáp, nó còn đồng thời là một lời kêu gọi đầy ý vị, “vơ vào” nhưng rất “lọt tai” !

Xin mở đầu thơ xuân con ngựa bằng “Tranh ngựa” (Chế Lan Viên)

“Tranh ngựa góc tường treo một bức

Phòng con nghe có gió lưng đèo

Nghe như bát ngát trời mây mở

Tiếng hí – cho lòng ta ruổi theo”.

Cái đồng cảm hết mình, tưởng tượng cất cánh trong thơ ấy đã có từ trước đây 5 thế kỉ, từ thuở Nguyễn Trãi :

“Tiếc xuân, cầm đuốc mảng chơi đêm

Những lệ* xuân qua tuổi tác thêm

Chẳng thấy ngoài hiên tơ liễu rủ

Một phen liễu rủ, một phen mềm”

Xuân đến mỗi lần, cho cây cảnh mỗi lượt mềm lại, trẻ ra. Không chơi đêm, tận hưởng thời gian, sợ rằng xuân qua, tuổi trẻ không còn nữa, hóa ra ông già Ức Trai xưa cũng tranh thủ thời gian không kém gì Xuân Diệu : “Xuân đang đến, nghĩa là xuân đang qua / Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già”. Ông không giục giã “Mau với chứ, vội vàng lên với chứ”, mà ông kịp thời “chơi” cả ban đêm – xem ra nhiệt tình còn vượt xa cả chàng Xuân sau này – lo né tránh ban đêm (“Thong thả chiều vàng thong thả lại / Rồi đi đêm xám tới dần dần”). Đúng là Ức Trai tiên sinh đã có một tuổi già xanh, còn đi trước cả bác sĩ Trần Bồng Sơn từng khẳng định lứa bảy mươi là những người “trẻ lạ lùng”.

Ở đất nước chúng ta, suốt bốn nghìn năm hầu như ngọn lửa chiến đấu chống xâm lăng không bao giờ kịp nguội, thì yêu cầu phải “gác tình riêng”, “mưu nghiệp lớn”, phải đón những mùa “xuân chiến địa” (tên một bài thơ của Ngân Giang dịp tết 1976) là thường tình. Như Ngân Giang từng miêu tả trong bài thơ trên, cái hào khí của một thời tất cả cho độc lập tự do :

“Lời thư và áo người thương ấy

Gửi độ sang thu chớm lá vàng

Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ

Quên tình riêng nhé, nhớ giang san !

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ

Bởi say sự nghiệp khách anh hùng

Em cũng mơ người trai đất Việt

Sẽ là một bậc Nguyễn Quang Trung.

Đẹp gì chăn gối trong khi cả

Dân tộc sôi lên chí quật cường,

Hãy gác tình riêng, mưu nghiệp lớn

Để đong máu giặc dội biên cương”

Đúng là vì Tổ quốc, ta có thể hy sinh hết, vì hiểu rõ “nước mất thì nhà tan”. Nhưng muốn bền gan chiến đấu suốt trận đánh kéo dài phần ba thế kỷ (từ tháng Chín 1945 đến tháng Tư 1975) thì không thể như một thời đã hẹp hòi, lên án chuyện “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”, mà phải gắn bó được cả riêng chung :

“Những đêm dài hành quân nung nấu

Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”

 (Nguyễn Đình Thi)

Vì thật ra “Tôi càng bắn đúng Tây / Vì tay có hơi vợ” (Cầm Vĩnh Uy)

Và giải pháp thông minh, thỏa đáng, trọn nghĩa vẹn tình nhất, phải chăng ta gặp ở nhân vật “Nhớ vợ” :

“Tôi nhớ vợ tôi lắm / Xin anh về hai ngày

Nhà tôi ở Mường Lay / Có con sông Nậm Rốm

(…) Cho tôi đi anh nhé / Về ôm vợ hai đêm

Vợ tôi nó sẽ khen / Chồng em nên người giỏi

Ngày kia tôi về tới / Được đi đánh cái đồn

Hay được đi chống càn / Là thế nào cũng thắng (…)”

Tuy nhiên quen thuộc với đông đảo đồng bào ta hơn, có lẽ là tâm trạng cô gái làng quê trong “Mưa Xuân” – một bài thơ đáng phong hoa hậu trong thơ Nguyễn Bính, đáng xếp vào chiếu nhất trong dòng thơ Xuân Việt Nam :

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo : “Thôn Đoài hát tối nay”.

Em xin phép mẹ vội vàng đi

Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê”…

Thế rồi “em mải tìm anh, chả thiết xem”. Nhưng rút cục

“Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang

Thế mà hôm nọ hát bên làng

Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn

Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng !”

Để rồi “mình em lầm lũi trên đường về (…) Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya”. Từ những hạt “mưa xuân phơi phới bay” đến “mùa xuân đã ngại bay” ; từ “hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” đến “hoa xoan đã nát dưới chân giầy”… Những cảnh tượng đối sánh tương phản, nổi bật được nổi lòng cô gái. Nhưng bài thơ rất có hậu : cô gái buồn tủi, nhưng không đắng cay tuyệt vọng, mà vẫn hy vọng tình mẹ con nâng đỡ cho duyên đôi lứa. Lời trách chưa rõ ý, thì lời nhắc đã ngân lên thiết tha dịu dàng :

Anh ạ, mùa xuân đã cạn ngày

Bao giờ em mới gặp anh đây

Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ

Để mẹ em rằng hát tối nay ?

Rồi “Chùa Hương” (Nguyễn Nhược Pháp), cô gái đây vẫn dáng dấp truyền thống ấy, nhưng duyên lức may mắn hơn cô bạn trong thơ Nguyễn Bính, và cũng có dịp để làm duyên hơn :

“Hôm nay đi chùa Hương / Hoa cỏ mờ hơi sương

Cùng thầy me em dậy / Em vấn đầu soi gương

Em đi, chàng theo sau / Em không dám bước mau

Ngại chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu

Mẹ bảo : đường còn lâu / Cứ vừa đi ta cầu

Quan Thế Âm bồ tát / Là tha hồ đi mau

Em ư ? Em không cầu / Đường vẫn thấy đi mau

Chàng cũng cho như thế / (Ra ta hợp tâm đầu)

Đường đây kia lên giời / Ta bước tựa vai cười

Yêu nhau yêu nhau mãi / Đi, ta đi, chàng ơi !”…

Còn cô gái trong thơ Xuân Diệu lại rất hồn nhiên, toàn nhí nhố những cái thật “Đơn sơ” :

“Em nói trong thư : Mấy bữa rày

Sao mà bươm bướm cứ đua bay

Em buồn, em nhớ, chao ! em nhớ

Em gọi thầm anh suốt cả ngày”…

Cho đến câu cuối, với chi tiết cô khoe “vui mừng em thấy má em hồng” thì không biết có phải hồn nhiên nữa không, hay cốt gợi ý nhắc nhở anh bạn tình ? Người đọc thư – chàng trai – chỉ xuất hiện ở hai câu cuối nhưng lập tức lộ ngay thần thái tương tư say đắm. Bức thư đã có tiếng dội. Và tiếng dội “Em đốt lòng anh, em biết không ?” ấy, đúng là tiếng gọi mang đặc tính mặn nồng sôi nổi của tác giả “Phải nói” (“Em phải nói, phải nói và phải nói / Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày / Bằng nét vui, bằng vẻ thẹn, chiều say / Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết”…)

Đến “Mùa Xuân chín” (Hàn Mặc Tử) rất chín trong tâm hồn, thấm thía với kỷ niệm – kiểu “khi ta ở, chỉ là nơi đất ở / Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên) :

“Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín / Lòng trí bâng khuâng, sực nhớ làng

Chị ấy năm nay còn gánh thóc / Dọc bờ sông trắng, nắng chang chang ?”

Hai câu cuối thuần nôm, luyến láy ân tình rất Việt ; một câu hỏi man mác bồi hồi cả một trời dĩ vãng, trong sáng mà man mác lạ lùng ! Như lời thốt cửa miệng, đồng thời vẫn ý nhị, đầy gợi cảm của lời thơ. Bồi hồi như Hoàng Cầm nhớ người con gái – một bà chị hơn mình gần chục tuổi đầu trong “Lá Diêu bông”. Như Huy Cận “tám tuổi một chiều trong rạp xiếc / mê nàng cưỡi ngựa uốn thân tơ”. Như một biểu tượng quá khứ trân trọng, thức dậy cả một chặng đời trong veo kỳ diệu.

“Bài Ca Trăm Hoa” (Vũ Tú Nam), có chàng trai đã chiều cô gái tò mò, nhõng nhẽo, giải đáp kì tình cũng để thừa dịp ngỏ ý :

Em hỏi thời anh xin thưa / Hoa kia trăm thứ biết anh ưa hoa nào ?

Hoa gạo nhắm rượu trên cao / Là đà lảo đảo rơi nhào cỏ may

Hoa lựu má đỏ phây phây / Hoa ngâu chúm chím, hoa bèo tây bềnh bồng…

(…) Anh yêu em, yêu nhất hoa hồng / Để cho anh bế anh bồng trên tay

Ước gì nổi gió hây hây / Để cho hoa đấy, lòng đây thơm cùng

Hoa phượng đỏ não đỏ nùng / Ve kêu ra rả, bạn cùng với ai ?

(…) Dạ hương biến hóa tài tình / Hương bay một nẻo, hoa rình một nơi !

Hoa cúc áo xinh thật ai ơi ! Áo anh chưa thùa khuyết, mình giúp cho tôi chăng mình ?

Hoa ngô nhún nhảy rập rình / Chúc cho nàng đó chung tình với ta

(…) Bông lau trên núi phất cờ / Anh xin bện chổi quét bàn thờ nhà em”.

Và đây, đoạn kết, anh con trai rất biết gói lại :

Trăm hoa anh đã dẫn em xem/ Nhưng hoa nào được bằng em – hoa người !

Hoa người đẹp nhất em ơi/ Không hương sắc, lại bằng mười sắc hương !”

Tục ngữ Việt Nam cũng khẳng định : người ta là hoa đất. Cái kết thật nhân văn ! Và bài thơ không chỉ là một lời giải đáp, nó còn đồng thời là một lời kêu gọi đầy ý vị, “vơ vào” nhưng rất “lọt tai” !

Tất cả những vẻ đẹp truyền thống của dân tộc vừa điểm qua, hầu như được kết tinh trong “Ông đồ” (Vũ Đình Liên). Trước kia

Bao nhiêu người thuê viết / Tấm tắc ngợi khen tài

Hoa tay thảo những nét / Như phượng múa rồng bay

Nhưng mỗi năm mỗi vắng / Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm / Mực đọng trong nghiên sầu”

Cảnh buồn quá, cô quạnh, bị lãng quên :

Ông đồ vẫn ngồi đấy / Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy / Ngoài trời mưa bụi bay”…

Một câu hỏi buồn nhức nhối, day dứt :

“Những người muôn năm cũ / Hồn ở đâu bây giờ”

Bài thơ từ những năm ba mươi thế kỷ trước, nhưng rất cập nhật,càng có ý nghĩa hơn với chúng ta ở thế kỷ này. Những chân dung diễn viên Hồng Kông hay Titanic bằng giấy nhựa át đi những “tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong / Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”. Nhiều cô tú, cậu cử thời nay chỉ biết đến cái đẹp của người mẫu thời trang tóc tém, mà không biết gì đến cái đẹp của cô gái trong tranh “Hứng dừa” – tóc buông lơi như suối chảy, đang hớn hở vén váy tênh hênh hứng dừa. Bức tranh đơn giản mà đặc sắc một triết lý nhân văn cao đẹp. Hãy biết chủ động đón lấy những chùm-dừa-hạnh-phúc ấy, đừng để chúng tuột khỏi tầm tay. Hãy biết giữ gìn lấy những tinh hoa truyền thống, đừng để thói sùng ngoại, chuộng những hào nhoáng lai căng bắt mất hồn vía, đến nỗi đánh mất mình. Những ai thích dạy cho trẻ nít câu chào “bái bai !” hãy nhớ hội nghị hơn 40 nguyên thủ quốc gia nói tiếng Pháp ở Hà Nội đã đứng lên vỗ tay cả chục phút trước tư thế khoanh tay vái chào đúng lễ độ truyền thống dân tộc của thiếu nhi Hà Nội đến mừng hội nghị.

Và những mùa xuân mới mẻ, gần chúng ta hơn. Những năm 60, Chế Lan Viên “Đi trong hương chùa Hương”, không phải đôi bạn trẻ lần đầu gặp gỡ, duyên mới nhóm lên ; mà cặp vợ chồng đã chín cả tuổi đời lẫn tuổi thơ, đôi bạn tình đứng tuổi này – hơn hẳn lứa đôi của Nguyễn Nhược Pháp trước kia cho rằng “lấy nhau rồi là hết chuyện”. Nhà thơ vào độ ngũ tuần – U60 – vẫn say với hạnh phúc vợ chồng :

(…) “Động Hương Tích sát kề / Em ! Em dừng bước lại !

Hạnh phúc chỗ mình đi / Nơi đời đang chảy suối

(…) Hạnh phúc cũng là đây / Khi tình anh đã tới

Như đá tình yêu bay / Hang chùa trong mát rượi

Rêu cỏ cũng mùa xuân / Giọt thời gian tí tách

Tạo vật động lòng trần / Trong thẳm sâu tịch mịch

Phật thức tỉnh hai hàng / Áo màu xao cửa động

Nhớ đời và nhớ mộng / Phật ngồi mê trong hương” (…)

Khi làm chủ được cuộc sống, ta có thể gặt hái hạnh phúc trong bất kỳ tình huống, cảnh ngộ nào ; khỏi cần gò ép xếp đặt kiểu “Em cứ hẹn, nhưng em đừng đến nhé” như một thi sĩ xưa lúc nào cũng lo vỡ mộng. Dù “Anh đi vấp phải hàng mi ấy / Đi giữa hàng mi mát rượi lòng” (Puskin) hay “Áo đỏ em đi giữa phố đông / Cây xanh như cũng áng theo hồng” (Vũ Quần Phương) cũng đều là những cung bậc sắc thái của tình cảm lứa đôi. Và chủ động nhất, khỏi lệ thuộc vào xuân mùa, vì ta có xuân lòng trong mỗi “dư âm giọng nói đã làm ngây / một sớm tím bỗng dịu dàng đồng vọng”. Khi ấy, “Miễn trời sáng mà lòng ta dợn sóng / Thế là xuân. Hà tất đủ chim hoa” (Xuân không mùa – Xuân Diệu).

Vâng, cốt nhất ở lòng ta, vì người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, và ngược lại, “khi vui, gánh đá trên nguồn cũng vui”. Xin cùng chung vui với tác giả một bài “thơ viết năm 60 tuổi” (Xuân Hoàng) :

“Sang đấy rồi ư? xuân sáu mươi?/ (Sáu mươi năm của một đời người)

Thiên nhiên sao vẫn còn nguyên trẻ/ Như thuở ban đầu, năm tháng ơi!

Như thuở ban đầu : trời vẫn xanh / Các vì sao nhỏ vẫn long lanh

Và trăng cứ thức dâng triều dậy / Vẫn cứ đầy vơi lượng ái tình.

Như thuở ban đầu, sông vẫn trôi/ Chở buồm ra với gió nồm khơi

Hết tuần mưa lũ, cồn chân sóng/ Lại lọc màu xanh đến ngợp trời

Như thuở ban đầu! hoa vẫn thơm/ Sau hoa, gương mặt vẫn nồng hương

Hoa cau buổi sớm bừng hiên trước/ Hoa bưởi say hoài đêm vấn vương” (…)

---------------------

(*)Lệ : tiếng cổ, nghĩa là “sợ” (trong từ “e lệ”)

NGUYỄN VIẾT HÙNG

Các Bài viết khác