NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TỪ MỘT LỜI PHÁT BIỂU ĐÁNG KINH NGẠC (10/06/2013)

( 08-09-2013 - 11:55 AM ) - Lượt xem: 1270

Chạy chức-chạy quyền (tức mua quan bán tước) mãi mãi là loại tội phạm tham nhũng hàng đầu, không ai có thể đánh lộn sòng nó với con đường tuyển chọn nhân tài công khai chân chính để bổ nhiệm những chức vụ xứng đáng trong bộ máy công quyền. Quan hệ “cung cầu” là một quy luật trong lĩnh vực kinh tế, không ai được phép đem quy luật đó ra áp dụng trong lĩnh vực chính trị để làm lẫn lộn kẻ gian với người ngay...

Chạy chức-chạy quyền (tức mua quan bán tước) mãi mãi là loại tội phạm tham nhũng hàng đầu, không ai có thể đánh lộn sòng nó với con đường tuyển chọn nhân tài công khai chân chính để bổ nhiệm những chức vụ xứng đáng trong bộ máy công quyền. Quan hệ “cung cầu” là một quy luật trong lĩnh vực kinh tế, không ai được phép đem quy luật đó ra áp dụng trong lĩnh vực chính trị để làm lẫn lộn kẻ gian với người ngay.


Phát biểu của PGS-TS. Nguyễn Hữu Trí – Phó Viện trưởng phụ trách Viện xã hội học và khoa học quản lý đăng trên báo Đất Việt (13-4-2013) là câu nói đáng kinh ngạc làm xôn xao dư luận: “Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”. Nếu chỉ đọc nguyên câu trích đó, độc giả sẽ tưởng rằng ông Trí nói đùa, nhưng khi đọc đầy đủ những lời lẽ giãi bày trong đó thì mới biết  rằng ông nghiêm túc nói thật lòng mình. Ông giải thích: “ Khi đã thừa nhận cơ chế thị trường, những người làm quản lý lãnh đạo phải chủ động thiết lập theo luật định chuyện chạy chức, quyền. Chạy công khai thì tiền sẽ nổi lên, nhà nước quản lý được. Nếu đụng vào luật thì sẽ xử lý và sẽ không có những khoản ngầm chảy vào túi ai hết”. Nói ngắn gọn, ý tưởng của ông là cần “luật hóa” thừa nhận việc chạy chức-chạy quyền là hợp pháp để mọi người công khai “chạy” bằng tiền. Vì ý tưởng này vô cùng mới lạ, nên độc giả phải nát óc nghĩ xem do đâu mà ông nghĩ ra được nó, và người ta sẽ tiếp nhận nó như thế nào?
 
1. Trước hết, phải tìm câu trả lời trong lịch sử. Bởi nhân loại luôn có kẻ gian lẫn lộn với người ngay, nên tệ nạn “chạy chức-chạy quyền” (mà người xưa gọi là “mua quan bán tước”) đã tồn tại rất lâu đời ở mọi nước trên thế giới với những mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy nơi tùy lúc. Tuy nhiên, ngay cả những triều đại phong kiến thối nát đến mức cho phép mua quan bán tước, thì sự “cho phép” ấy vẫn chỉ được thực hiện bằng con đường bí mật, mặc nhiên thừa nhận hoặc cùng lắm là chỉ đạo bằng “khẩu dụ”, tức là nói miệng mà không có bút tích làm bằng. Bởi vì lịch sử đã dạy rằng khi tệ mua quan bán tước được công khai lộng hành, thì người ngay sẽ khốn khổ vì kẻ gian, trung thần sẽ bị gian thần hãm hại, nhân tài không ngóc đầu lên được nên đất nước sẽ suy vong. Do đó, ngay cả những kẻ vô liêm sỉ nhất cũng vẫn còn hiểu  mua quan bán tước là hành vi tội phạm không ai có thể chấp nhận, nếu để lộ ra thì nguy hiểm cho người mua kẻ bán và cả kẻ cho phép mua bán. Chính vì vậy mà từ cổ chí kim không có triều đại nào dám ngang nhiên “luật hóa” hành vi ấy, không có luật pháp nước nào ghi nhận về “quyền” mua quan bán tước, kể cả Hình thư thời Lý, Hình luật thời Trần, Luật Hồng Đức thời Lê cho đến Luật Gia Long thời Nguyễn ở nước ta cũng vậy.
 Bởi thế, trong lịch sử không hề có tiền lệ về “luật hóa” việc mua quan bán tước  để ông Trí kế thừa tạo ra ý tưởng của mình.
 
 2. Vậy thì, phải chăng ý tưởng của ông xuất phát từ thực tiễn sinh động ở nước ta hiện tại? Quả thật, nếu so sánh cái sự chạy chức-chạy quyền ngày nay với việc mua quan bán tước xưa kia, thì phải thừa nhận rằng đúng là “hậu sinh khả úy”. Có thể nói rằng mọi người trưởng thành ở nước ta ngày nay đều cảm nhận được cả bề rộng lẫn chiều sâu của tệ nạn chạy chức-chạy quyền qua các thông tin hàng ngày: những văn bằng được cấp trong những điều kiện đào tạo quá sơ sài, sinh viên mới tốt nghiệp phải bỏ ra hàng trăm  triệu đồng để có được chỗ làm thích hợp, một ông giáo mua chức hiệu trưởng THPT với giá 300 triệu, những vụ thăng chức vượt cấp mau lẹ đầy tai tiếng, một ông giám đốc sở bỗng dưng nộp lại cho công quỹ một gói tiền mấy trăm triệu của người chạy chức nào đó, một vị chủ tịch tỉnh cũng mang nộp lại công quỹ một gói tương tự như của vị giám đốc nọ, một tổng giám đốc đã dám tuyên bố với bạn bè ở chốn riêng tư rằng mình đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng để lo chức thứ trưởng…Vừa mới đây, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra thành ủy Hà Nội đã cảnh báo rằng ông đã biết cái giá để mua một ghế công chức của thủ đô là 100 triệu đồng.
 Những thông tin như vậy cho thấy một thực trạng rất nghiêm trọng, nhưng cũng như thời xưa, mọi giao dịch chạy chức chạy quyền ngày nay đều diễn ra ở cửa sau trong vòng bí mật giữa người mua kẻ bán. Vì thế, các cơ quan chức năng hầu như không bắt được quả tang một vụ nào để đem ra trừng trị, kể cả những vụ mua bán ghế công chức ngay giữa thủ đô mà Ủy ban Kiểm tra thành ủy đã biết rõ. Thực trạng ấy đã giúp ông Trí nhận ra rằng trong cơ chế hiện hành thì cuộc đấu tranh chống chạy-chức chạy quyền chắc chắn thất bại: “Khi những người trong cuộc cấu kết với nhau rồi thì chỉ những người trong cuộc biết với nhau thôi, còn người ngoài cuộc bó tay!”- chính ông đã nhận xét rất đúng.  Khi đã nhận biết như vậy thì những người bình thường sẽ có hai cách ứng xử. Theo hướng tiêu cực, họ đành chấp nhận sống chung với chạy chức-chạy quyền (giống như dân đồng bằng sông Cửu Long phải “sống chung với lũ”). Theo hướng tích cực, họ sẽ tìm cách sửa đổi cơ chế tổ chức cán bộ, sao cho có thể phòng chống tệ nạn này một cách hữu hiệu. Nhưng vì không phải là người thường, nên ông Trí đã hướng theo một ý tưởng khác biệt:  biến cơ chế tổ chức cán bộ thành một cơ chế chạy chức-chạy quyền công khai hoạt động theo quy luật cung cầu của thị trường.
 
3. Thực trạng hiện hành có tác dụng gợi mở, nhưng để chính thức hình thành ý tưởng khác thường trên thì ông Trí phải dựa trên kinh nghiêm của chính bản thân mình. Nhằm  chứng minh cho sự cần thiết phải “luật hóa” việc chạy chức-chạy quyền, ông không ngần ngại khẳng định rằng trong cơ chế thị trường hiện nay thì tất cả mọi người đều chạy, kể cả  “Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào Nhà Đỏ”(!). Khi đã khẳng định như vậy, dĩ nhiên ông Trí không coi mình là một ngoại lệ, nên đã mạnh miệng tuyên bố “tôi cũng muốn chạy để có chức”. Nhờ đó, chỉ nhìn vào các nhãn mác mà ông đang mang trên mình, mọi người biết rằng ông không chỉ “muốn”, mà đã thực sự tham gia cuộc chạy maratông giành chức quyền với các chặng đường rất dễ hình dung. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã chạy để có bằng Tiến sĩ, rồi chạy tiếp để được “phong hàm” Phó Giáo Sư, chạy tốt hơn nữa để giành những chức vụ quản lý đáng nể, và nay còn đang giữ  chiếc ghế Phó Viện Trưởng mà được giao phụ trách Viện. Nếu còn đủ thời gian, chắc rằng ông còn chạy tiếp.
 Thế là vấn đề đã được sáng tỏ: ý tưởng của ông Trí xuất phát từ chính kinh nghiệm và nguyện vọng của ông trong việc chạy chức-chạy quyền. Nếu ý tưởng này được chấp nhận, ông sẽ được đi vào lịch sử như là người đầu tiên trong nước và trên thế giới đã mở ra con đường công khai hợp pháp cho việc mua quan bán tước mà ông cho là “không có gì xấu” vì vẫn là “quan hệ cung cầu”. Tiếc rằng sẽ chẳng có ai dám chấp nhận ý tưởng trứ danh ấy của ông vì những lý do dưới đây.
 Thứ nhất, chạy chức-chạy quyền (tức mua quan bán tước) mãi mãi là loại tội phạm tham nhũng hàng đầu, không ai có thể đánh lộn sòng nó với con đường tuyển chọn nhân tài công khai chân chính để bổ nhiệm những chức vụ xứng đáng trong bộ máy công quyền. Quan hệ “cung cầu” là một quy luật trong lĩnh vực kinh tế, không ai được phép đem quy luật đó ra áp dụng trong lĩnh vực chính trị để làm lẫn lộn  kẻ gian với người ngay.
 Thứ hai, mặc dù bọn chạy chức-chạy quyền hiện nay rất đông (kể cả những trường hợp bất đắc dĩ phải làm việc đó), nhưng không phải tất cả mọi người đều chạy như ông Trí đã nói. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nên những người thực sự có tài đức luôn sẵn sàng phục vụ đất nước bằng con đường chân chính, không bao giờ làm cái việc đê hèn là chạy chức-chạy quyền. Suy bụng ta ra bụng người để bảo rằng cả hai vị Tổng thống của Mỹ và Nga cũng chạy, ông Trí đã bị tiền bạc làm cho đầu óc lú lẫn nên đã cả gan nói liều!
 Thứ ba, các  nước theo cơ chế thị trường đích thực luôn có luật pháp nghiêm minh đủ sức ngăn chặn và trừng trị những kẻ chạy chức-chạy quyền. Năm 2008, Thống đốc Rod Blagojevich của bang Illinois (Hoa Kỳ) đã phải lãnh bản án 14 năm tù do âm mưu bán chiếc ghế thượng nghị sĩ mà Barack Obama bỏ trống sau khi đắc cử Tổng thống. Luật pháp như vậy chỉ vạch ra con đường chân chính vươn tới quyền lực cho những người xứng đáng, tìm đâu được điều khoản nào để “luật hóa” việc chạy chức chạy quyền như ông Trí mong muốn?
 Thứ tư, tiền dùng để chạy chức chạy quyền bao giờ cũng là loại bẩn, nên ông đừng  mơ tạo ra được một sự “luật hóa” nào để rửa sạch tiền ấy cho nhà nước quản lý. Tiền bẩn bao giờ cũng bí mật chui vào túi cá nhân của những người có quyền bán ghế, chỉ ngoại trừ trường hợp ai đó nuốt không trôi, sợ bị lộ nên mới đành giao nộp công quỹ mà thôi. Hơn nữa, ngoài tiền ra thì người ta còn chạy bằng nhiều công cụ hữu hiệu khác, như “vốn tự có” của các quý bà quý cô chẳng hạn. Trong trường hợp đó, ông sẽ làm thế nào cho “cái đó” nổi lên để nhà nước quản lý?
Sau cùng, chính những kẻ đồng hội đồng thuyền với ông Trí cũng không ủng hộ ý tưởng  của ông. Bọn chạy chức-chạy quyền đều biết lo xa, theo cách mà người xưa đã dạy:  “đánh đĩ mười phương cũng phải chừa một phương lấy chồng”. Vì thế, khi đã công thành danh toại sau những chặng đường chạy tốn kém, chúng đều thích đeo mặt nạ của những người lương thiện, để tỏ cho mọi người biết rằng ta đây cũng là người tài đức xứng đáng với cái ghế vừa giành được. Có như vậy mới giữ ghế được lâu bền đặng khai thác những thành quả phát sinh từ nó. Giả sử như ý tưởng của ông Trí được biến thành sự thật, mọi ghế trong bộ máy công quyền đều được công khai giá cả, thì tất cả những ai giành được ghế sẽ cùng nhau phơi bày trước bàn dân thiên hạ duy nhất một biệt tài là “chạy”. Thử hỏi khi ấy nhân dân sẽ nghĩ gì về những “công bộc” của mình đang ngồi trên đó?
Xem xét đủ đường từ góc độ chính diện cho đến phản diện, ý tưởng của ông Trí đều lâm vào tình trạng bất khả thi. Vì thế, xin ông chớ phiền lòng khi mình đã nói mãi mà người ta cứ không chịu áp dụng nó.
 
 4. Dù sao đi nữa, với ý tưởng trứ danh về việc “luật hóa” chạy chức-chạy quyền, Nguyễn  Hữu Trí vẫn để lại một dấu ấn khó phai mờ trong xã hội nước ta về nhân cách của một con người không còn phân biệt được giữa người ngay với kẻ gian, giữa con đường thăng tiến chân chính với lối chạy chọt gian tà, để cho tất cả vào cùng một “cơ chế thị trường” vận hành theo quyền năng tối thượng của đồng tiền. Rất may là lương tri xã hội chưa bị thế lực hắc ám của đồng tiền đè bẹp, nên những người lương thiện vẫn hy vọng vào một tương lai ngày càng tươi sáng, khi những giải pháp hữu hiệu được áp dụng để đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tệ nạn chạy chức-chạy quyền nói riêng, cũng như quốc nạn tham nhũng nói chung.
 

Tác giả bài viết: QUỐC LÊ

Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng

Các Bài viết khác