NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TẾT PHƯƠNG NAM

( 17-02-2021 - 09:46 PM ) - Lượt xem: 1030

Tết bây giờ thực sự không còn là Tết xa nhà, mà là Tết với quê hương ngay trong phòng khách ở phía bên kia của màn hình TV siêu to khổng lồ, hay trên bàn làm việc qua màn hình máy tính, và thậm chí trên cả giường ngủ

Tự nhiên ngồi tính, thì thấy mình đã sống ở ngoài Việt Nam quá nửa đời người rồi. Và dù rằng năm nào cũng về nhưng suốt 30 năm qua chỉ ăn Tết được đúng một lần duy nhứt mà thôi. Nhớ hồi đầu thập niên 1990s hãng băng Thuý Nga Paris lúc đó còn sản xuất băng video có làm một chương trình Mùa xuân nào ta về do nhà văn Duyên Anh cùng nhạc sĩ Anh Bằng soạn nội dung, thật là hoài cố hương. Cùng thời điểm đó cũng là cao trào của loạt băng Mưa Bụi. Hình ảnh quê hương có lẽ đọng lại trong tôi là như vậy, như tên của cậu con trai Khánh Nam - tiếng chuông lắc từ phương nam.

Cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam từng tâm sự rằng bản giao hưởng mà ông viết cho cả một dàn nhạc lớn toàn học trò và đồng nghiệp ở Nga chơi được xây dựng lên chỉ từ một lời rao "ai chè đậu xanh bột báng nước dừa hông", mà những năm tháng du học thỉnh thoảng lại ùa về trong giấc mơ. Với tôi thì đó là những âm điệu ngày Tết của một thời đầy khó khăn, thuỷ thủ tàu viễn dương đem về vài cuốn lịch Nhật kiểu bây giờ chúng ta in quảng cáo phát miễn phí, đã là thứ gì đó vô cùng quí giá hiếm hoi để tặng biếu nhau ngày Tết. Cả năm trời mới được bà ngoại đưa tiền cho các dì dắt cả đám cháu ra chợ vải Tạ Thu Thâu mua mỗi đứa một bộ mặc chơi Tết. Cả năm bà nội mới cho các chú tát ao bắt cá tôm lên bán hay làm thịt con heo gói bánh tét. Tết phương Nam từ những bài viết về phong tục tập quán trên báo Xuân hay các chương trình Táo quân trở thành những điều mà tự mình tạo ra cho các con: gắn hoa mai giả, chơi thuỷ tiên, gói bánh chưng, và ra khu phố Tàu coi múa lân. Còn cho riêng bản thân mình thì mặc cho TV kết nối youtube miên man chạy ngẫu nhiên để vừa coi vừa hồi tưởng lại những ký ức hồi nhỏ hết đi miền Đông ra tuốt Bình Ba lặn đục hào bắt tôm hùm chấm muối ớt xanh vắt chanh, lại về miền Tây giăng câu cắm cá, hay sau này tà tà một mình một xe máy ngược núi lên Tây Bắc coi đám trẻ con chăn trâu trắng cổ đeo mõ gỗ, rồi xuôi Việt Bắc về Tuần Châu rồi băng qua Bỉm Sơn vào cửa Lò, cửa Sót, cửa Hội, Qui Nhơn v.v Âm thanh quê hương đối với tôi bây giờ là tất cả những tiếng cười vui từ mọi miền đất nước, mà đặc biệt là câu "chào cả nhà" của các bạn trẻ năng động biết làm Vlog để kiếm mỗi tháng cả chục triệu từ loại hình truyền thông mới mẻ này, mà ngay cả Ký Ức Vui Vẻ của nhà báo lão luyện Lại Văn Sâm cũng phải đuổi bám theo. Âm thanh đó đúng là bây giờ không còn từ bên ngoài như những ngón nhấn cơ bản của bài Dạ Cổ Hoài Lang từng được cố nhạc sư Vĩnh Bảo kiên nhẫn truyền dạy, mà tự phát ra từ đâu đó bên trong tôi qua bất kỳ loại nhạc cụ nào đang có sẵn trong tay, từ cây đàn guitar tự móc phím chỉnh lại dây, cho tới bộ bàn phím piano hùng tráng và khuôn mực.

Tết bây giờ thực sự không còn là Tết xa nhà, mà là Tết với quê hương ngay trong phòng khách ở phía bên kia của màn hình TV siêu to khổng lồ, hay trên bàn làm việc qua màn hình máy tính, và thậm chí trên cả giường ngủ nếu nửa đêm giật mình thức giấc cầm điện thoại xem giờ nhưng phần mềm lại chạy tiếp một đoạn lội mương mò tôm càng xanh sợ đạp trúng cá ngát. Tết không còn là Tết tha hương hay hồi tưởng lại về một cái Tết hồi năm nào đó của thế kỷ trước, mà tự mình tái dựng lại trong chính ngôi nhà mình, cho con mình, cho bạn bè và con cái họ. Nhiều thứ cây trái và thuỷ hải sản tưởng chừng như chỉ riêng Việt Nam nhưng đang nhập về London từ Tây Ban Nha, Brasil, Costa Rica, Pháp hay thậm chí Ba Lan, chỉ là chọn mua thứ gì về bày trong nhà và có cúng Tết hay không mà thôi. Bản sắc văn hoá theo tôi không phải là sao chép giống hệt ai đó, mà là giống như trước khi rời bỏ một con tàu thì ta đem thứ gì theo đi cùng mình trong một chuyến du hành mới. Có những thứ gọn nhẹ như là hạt giống mà đến vùng đất mới là ta lại gieo xuống để mọc lên thành một đám ruộng của mình - đúng nghĩa đen của chữ "thuộc địa" - colony. Ngày xưa thực dân Pháp và Mỹ đem quân sang Việt Nam phô diễn sức mạnh, còn ngày nay người Việt Nam đem sức lao động và văn hoá của mình sang gầy dựng những khu xóm mới không chỉ ở Mỹ và Pháp mà còn nhiều nơi khác nữa trên bản đồ thế giới. Tết Phương Nam là một ngày liên tục giao thừa nối giao thừa từ New Zealand và Tân Đảo sang châu Âu và rồi bờ đông bờ tây nước Mỹ. Với nhiều người đang sống ở Việt Nam thì Tết là những ngày được tạm yên tiếng xe và tắc đường nơi thành phố lớn, không còn mệt mỏi về quê mà du lịch ra thế giới.

Phong tục là một sự thay đổi và thường xuyên được người ta tạo mới, bất kể các nhà nghiên cứu văn hoá nhận xét đúng sai thế nào đi nữa. Văn hoá là một quá trình ký sinh trong cộng đồng mà nay phương thức sản xuất đã thay đổi hoàn toàn. Người ta trồng cây bưởi bán Tết ít còn nghĩ đến chuyện ăn ngon dở ra sao mà tính ráp khuôn kiểu gì cho đẹp mắt với hoa văn hay chữ viết ý nghĩa. Ngày Tết là thời điểm để chúng ta ngồi cân nhắc xem giữ lại cái nếp cũ để đem theo và truyền lại cho con cháu, và cũng là để chúng ta so sánh và tính coi cách ăn Tết của gia đình mình, khu phố mình, và dân tộc mình đã thay đổi nhiều đến thế nào rồi. Với tôi, thì mong ước bây giờ là được ăn một cái Tết bên California để đốt pháo cho nó đã như âm thanh giờ chỉ còn lưu lại trong ký ức phương Nam.

Cung chúc tân xuân mạnh giỏi thuận êm.

LÊ THANH HẢI ( Luân đôn)

Các Bài viết khác