NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

GIẢI MÃ NGUYỄN NHẬT ÁNH Kỳ 2

( 20-06-2019 - 04:02 PM ) - Lượt xem: 1457

Quan điểm, phương pháp giáo dục mỗi thời mỗi nơi có khác nhau nhưng đều thống nhất ở mấy điểm cơ bản: Học để biết - Học để làm người - Học để chung sống… Theo lẽ đó thì tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, như Phùng Thanh Vân đã phân tích và nhà văn Vũ Hạnh đã khẳng định, là những sự quái gở, đi ngược lại tư tưởng giáo dục của thời đại, khát vọng, mong đợi của nhân dân.

GIẢI MÃ NGUYỄN NHẬT ÁNH

 

 

Kỳ 2

 

Trong các loài động vật có vú thì sự truyền giống của loài người là khó khăn lâu dài. Truyền sinh mệnh đã khó. Nuôi dưỡng sinh mệnh cho trưởng thành còn khó khăn hơn. Cổ nhân nói: Không gì vui bằng đọc sách. Không gì cần bằng dạy con. Thời xưa quan hệ xã hội và công nghệ sinh hoạt còn đơn giản, việc nuôi dạy con trong gia đình là chủ yếu. Vậy mà vẫn lo lắng. Không gì khổ bằng con hư. Ngày nay, quan hệ xã hội và công nghệ sinh hoạt phong phú gấp bội. Việc nuôi dạy con cái càng khó khăn gấp bội. Gia đình ngày nay chỉ chủ yếu lo nuôi ăn mặc, đóng các loại phí học đường, đoàn thể, hội hè… Còn thì do xã hội, bị xã hội quản lý, tác động… Trong đó nhà trường và sách báo, các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật thể thao… có vai trò cực kỳ quan trọng. 

Quan điểm, phương pháp giáo dục mỗi thời mỗi nơi có khác nhau nhưng đều thống nhất ở mấy điểm cơ bản: Học để biết - Học để làm người - Học để chung sống… Theo lẽ đó thì tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, như Phùng Thanh Vân đã phân tích và nhà văn Vũ Hạnh đã khẳng định, là những sự quái gở, đi ngược lại tư tưởng giáo dục của thời đại, khát vọng, mong đợi của nhân dân.

Tại sao những tác phẩm có nội dung quái gở như thế lại được liên tục ca ngợi, tôn vinh, quảng cáo hết sức rầm rộ?Chúng tôi cho rằng có hai nguyên nhân chính:

1- Do tác động của chính trị thời đại.

2- Do tác động của cơ chế thị trường.

 

TÁC ĐỘNG CỦA CHÍNH TRỊ THỜI ĐẠI

Sự sụp đổ của Liên Xô và phe XHCN làm nảy sinh luồng tư tưởng cho rằng học thuyết Mác - Lênin đã sai lầm. Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã sai lầm. Mọi tư tưởng đối lập trước đây nay được khôi phục lại, tôn vinh lên. Trong giáo dục và văn học đã và đang có hiện tượng đó. Nguyên tắc giáo dục truyền thống được kết tinh trong các huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh bị xem nhẹ. Tư tưởng tôn trọng cá nhân, xem thời đại này là thời đại của cá nhân nên nền giáo dục cũng phải hướng theo đó. Tôn trọng học sinh để cho học sinh tự phát triển phẩm chất cá nhân của chúng. Cha mẹ, thầy cô không được can thiệp vào. Không hẹn mà gặp, tư tưởng đó của GS. Hồ Ngọc Đại lại tìm thấy sự thể hiện cụ thể, sinh động trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Và Nguyễn Nhật Ánh còn đi xa hơn: Cho con em lập phiên tòa xét xử cha mẹ:

“Phiên tòa hôm đó kéo dài khá lâu và kết thúc trong niềm hân hoan của cả bốn đứa. Chúng tôi cảm thấy đã lấy lại được sự công bằng, đã xả được bao nhiêu là uất ức, đã tưởng tượng ra được cảnh người lớn chân thành xin lỗi trẻ con về bao nhiêu là khuyết điểm mà nếu trẻ con không vạch ra thì người lớn không bao giờ nhận thấy.

Hôm đó chúng tôi sống trong mơ. Một giấc mơ có lẽ mọi trẻ con trên trái đất này đều ao ước”.

(Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh. NXB Thuận Hóa - 2018. Trang 40-41- Phùng Thanh Vân)

Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai. Hôm nay gieo vào tâm hồn trẻ em giấc mơ đảo lộn thì thế giới ngày mai, không phải nói, mọi người đều biết. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy. Nhớ ơn chín chữ cù lao cũng vô nghĩa. Chưa đợi đến ngày mai, mà hôm nay đã đầy rẫy những vụ án đau lòng: Con giết cha mẹ, cháu giết ông bà chú bác, anh em giết nhau, vợ chồng giết nhau, bạn bè giết nhau. Trò đánh thầy, thầy đánh trò, bạo lực học đường, tình dục đến mức dâm ô học đường… Các nhà văn như Nguyễn Nhật Ánh, các nhà giáo dục như Hồ Ngọc Đại có thấy thực trạng đó không? Muốn hạn chế, ngăn ngừa hay muốn nó tự do phát triển? 

Đó là những nét chính của ảnh hưởng chính trị thời đại tác động vào giáo dục, vào văn học - nghệ thuật mà tác phẩm cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh là một sự tiêu biểu.Buồn thay, trong nhiều năm qua, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh lại được lên ngôi cao chót!

Có phải không có người đủ trình độ nhận ra sự thực tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh? Không phải. Vẫn có nhà văn - chiến sĩ cách mạng lão thành Vũ Hạnh, nguyên Chủ tịch Phong trào bảo vệ văn hóa dân tộc thời Mỹ - Ngụy nô dịch miền Nam. Vẫn có người nhận ra và nói lên như tác giả Phùng Thanh Vân - Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh. Vẫn có những lương tri và bản lĩnh biên tập - xuất bản như TS. Nguyễn Duy Tờ, Giám đốc NXB Thuận Hóa. Vẫn có những bạn bè hết lòng ủng hộ, giúp đỡ cho cuốn Suy ngẫm… của Phùng Thanh Vân được ra đời như các Nhà thơMai Văn Hoan, Nhà văn Nguyễn Quang Hà (Huế). Vẫn có những người đồng tình, khích lệ từ khâu bản thảo như các nhà văn nhà thơ Phùng Văn Khai (VNQĐ), Anh Chi (Hội Nhà văn). Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết nhà văn Ma Văn Kháng nói không thể đọc được Nguyễn Nhật Ánh. Chỉ có điều, những tiếng nói đó không nói ra, không có nơi để nói. Phải đến hôm nay, khi Suy ngẫm… của Phùng Thanh Vân ra đời, chúng tôi mới có dịp lên tiếng.

Chúng tôi càng băn khoăn. Truyện Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ nguyên là bản tham luận viết cho Hội thảo Quốc tế Trẻ em như một thế giới do Ủy ban UNESCO tại Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục tổ chức. Ban tổ chức đã không dùng bản tham luận này. Thế mà đưa in ở NXB Trẻ lại được đánh giá cao, được đề cử và được Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2010!Sao lại trái khoáy như thế? Ủy ban UNESCO Việt Nam và Bộ Giáo dục Việt Nam với Giải thưởng Văn học ASEAN mà trước hết là những người đề cử ở quốc gia của tác giả, có thể khác nhau về quan điểm đánh giá tác phẩm chứ không thể hơn kém nhau về năng lực văn hóa và văn học - nhất là văn hóa giáo dục - khi đánh giá tác phẩm. Nghĩa là, ở đây, quan điểm văn hóa - giáo dục quyết định giá trị tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh. Nó không đơn thuần là chuyện văn chương học thuật!

 

TÁC ĐỘNG CỦA CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

Ngày nay hầu hết các Nhà xuất bản đều hoạt động theo cơ chế thị trường; đều là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty thương mại cổ phần về văn hóa. Qui luật cơ bản của thương mại - thị trường là lợi nhuận. Việc quảng bá thương hiệu và sản phẩm góp phần rất quan trọng cho lợi nhuận. Tác phẩm mới nhất của Nguyễn Nhật Ánh - Cảm ơn người lớn - được quảng bá rất rầm rộ.( Phát hành cộng đồng người Việt ở Mĩ – Cali; ở Nhật – Tokio; ở Đài Loan – Đài Bắc và Cao Hùng; ở Đức –Berlin ).Sẵn sàng mời những người có uy tín như nhà thơ Trần Đăng Khoa vào TP. Hồ Chí Minh, bao vé bay, ở khách sạn sang để chỉ nói năm câu ba điều cho… toại lòng nhau. Trần Đăng Khoa hứa nhưng không đi.

Như trường hợp cuốn Tôi là Bêtô. Giáo sư Phong Lê nguyên Viện trưởng Viện Văn học, tác giả của rất nhiều công trình, Giải thưởng Nhà nước về Văn học- nghệ thuật,Giải thưởng sáng tácvề phong trào Học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh lẽ nào không đủ năng lực đánh giá cuốn Tôi là Bêtô, truyện về một con chó hư đủ mọi đường, ranh mãnh láu cá, triết lý về tự do rất trái khoáy, tự đắc có phẩm chất như các Nhà thơ và các Nhà cách mạng… là một cuốn sách có nội dung phản nhân văn, phản giáo dục, phản cả chính trị nữa. Còn nếu GS. Phong Lê thấy thú vị về con chó biết triết lý và tự đắc có phẩm chất như các Nhà thơ và các Nhà cách mạng thì phải chăng GS. Phong Lê đang đồng thanh tương ứng với Nguyễn Nhật Ánh trong cuộc chó hóa mọi giá trị mà nhân loại đã xây dựng được. Còn nếu không, vấn đề “đầu tiên”,ai mà chẳng biết. 

Ông Phạm Xuân Nguyên cũng thế. Con chó Bêtô dù hay ho, độc đáo đến đâu, nó vẫn là con chó. Tự nhận mình là con chó để ngợi ca câu chuyện về con chó quả là độc nhất vô nhị trong bình luận văn học xưa nay. Phạm Xuân Nguyên cũng đồng thanh tương ứng với Nguyễn Nhật Ánh lắm.

Như phân tích của Phùng Thanh Vân thì Nguyễn Nhật Ánh, qua 8 truyện tiêu biểu, đã đi ngược lại chức năng giáo dục, nhận thức của văn học thiếu nhi. Và những lời ngợi khen có cánh lại từ những vị có danh vọng và trách nhiệm lớn lao trước xã hội, khó hiểu mà dễ hiểu vậy thay!

Tập tiểu luận Suy ngẫm về chức năng giáo dục trong 8 truyện thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh là tiếng nói đầu tiên, mạnh mẽ, quyết liệt, có sở cứ để giải mã huyền thoại Nguyễn Nhật Ánh.

Cảm ơn tác giả Phùng Thanh Vân, cảm ơn Giám đốc - TS. Nguyễn Duy Tờ, cảm ơn nhà văn lão thành Vũ Hạnh, nhà thơ Mai Văn Hoan… đã cho bạn đọc được hưởng chút ít dân chủ trong học thuật. Không thể cả tài đại ngôn mãi được.

 THU GIANG

Bệnh viện Hữu Nghị - Hà Nội

8-12-2018

Các Bài viết khác