“CHA TÔI LÀM NGHỀ KIM HOÀN”
( 09-03-2014 - 06:11 PM ) - Lượt xem: 998
Nhà văn như người thợ kim hoàn, chắt chiu từng hạt bụi vàng trong cuộc đời thường, gom lại làm thành tác phẩm văn học chính là bông hồng bằng vàng, tặng cho bạn đọc. Người đọc thích thú, ngắm nghía, tận hưởng giá trị cao quí của tác phẩm
HUỲNH THỊ THÀNH
Hồi nhỏ, tôi rất mê đọc tiểu thuyết. Khi đọc, mình như được sống trong tâm trạng của nhân vật khi vui sướng lúc đau khổ. Tiểu thuyết hay thì ta có thể đọc đi đọc lại mà không chán.
Vào năm 1975, khi đã về Sài gòn. Một lần, tôi đọc lại truyện “ Bông Hồng Vàng”. Chuyện kể về mối tình đơn phương của anh thợ kim hoàn với người thiếu nữ xinh đẹp. Ngày qua ngày, anh gom bụi quét trong xưởng, chắt lọc từng hạt vàng lẫn trong bụi bẩn, đem đúc thành một bông hồng vàng tặng cho nàng. Thiếu nữ nhận bông hồng, sung sướng ngắm vẻ đẹp thần kỳ của nó. Nàng bước lên xe ngựa, chiếc xe phóng đi trong tiếng cười vui vẻ. Người thợ kim hoàn đứng lại bên đường. Không ai để ý tới anh. Không ai biết tên anh…
Lúc đó, cha tôi đi vào, thấy tôi đang đọc, ông hỏi:
- Con đọc gì vậy?
Tôi xếp trang bìa , đưa cho ông coi và nói:
- Dạ, Bông Hồng Vàng của Pautopxki
Nhìn vào bìa sách, cha tôi nói:
- Chuyện này ba biết. Con có biết ông thợ kim hoàn ấy là ai không?
Tôi còn hơi ngập ngừng. Ba tôi tiếp luôn:
- Đó chính là nhà văn.
Tưởng ông nói đó chính là Pautopxki. Tôi lập tức tưởng tượng rằng tác giả có một mối tình đơn phương trong đời. Nhưng ba tôi nói tiếp:
- Nhà văn như người thợ kim hoàn, chắt chiu từng hạt bụi vàng trong cuộc đời thường, gom lại làm thành tác phẩm văn học chính là bông hồng bằng vàng, tặng cho bạn đọc. Người đọc thích thú, ngắm nghía, tận hưởng giá trị cao quí của tác phẩm. Người đọc thường như những kẻ vô tình trong mối tình đơn phương, sung sướng nhận quà tặng, không quan tâm tới người tặng, không cần biết món quà được làm ra thế nào. Thậm chí có khi còn không nhớ tới tên tác giả nữa. Con thấy không, cuối chuyện cô gái lên xe ngựa phóng đi bỏ mặc anh thợ kim hoàn đứng lại bên lề đó.
Tôi không được học tác phẩm này trong chương trình phổ thông. Ba tôi là chính là người chỉ ra giá trị nội dung của “Bông Hồng Vàng” cho tôi.
Vào khoảng Tết năm 1976. Khi nghe cha tôi nói nghỉ hưu ông sẽ về quê, cất một ngôi nhà trên sông, và viết văn. Khi đó mới mười chín tuổi, cho rằng làm gì cũng phải nổi tiếng, tôi hỏi ông :
- Mà mình viết cái gì hả ba? Mình làm sao viết được như Lep Tolstoi? Làm sao viết nổi “ Chiến Tranh và Hòa bình” thứ hai?
Ba tôi nói:
- Phải viết về quê hương mình, đồng bào mình, làng xóm mình. Còn nhiều chuyện hay lắm con, phải viết ra...
Chưa đầy một năm sau, ba tôi mất, ông còn chưa kịp nghỉ hưu.
Nhiều năm sau tôi mới đọc được bản thảo "Quê hương rừng thẳm sông dài”, “Anh Chín Quì” …. cất trong vali tài liệu của ông. Vậy là, suốt những tháng năm đi kháng chiến, chiến đấu trên chiến trường, ba tôi vẫn làm người thợ kim hoàn cho quê hương.
Gia đình Huỳnh Văn Nghệ thời ở miền Bắc trước khi trở về miền Nam